Nâng cao chất lượng cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội

Go88 bạn cũ bấm vào để nhập



Nâng cao chất lượng cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội

10/08/2017

TS. Nguyễn Thị Thơm - Đại học Công nghệ Giao thông vận tải

Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và thủ đô Hà Nội trong thời gian qua. Để thực hiện được chủ trương, chính sách trên đòi hỏi thủ đô Hà Nội phải coi trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng. Vì thế, trong bài viết, tác giả phân tích thực trạng (thành tựu, hạn chế và khiếm khuyết) chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên đại bàn thủ đô hiện nay. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số giải pháp cơ bản nhằm đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thủ đô Hà Nội trong quá trình hội nhập quốc tế.

Từ khóa: Cán bộ giảng viên; đại học, cao đẳng; Hà Nội; hội nhập quốc tế ; nâng cao.

Mã số bài viết: VS3.00102I

Improving the quality of the academic staff of universities, colleges in Ha Noi areas

 

MSc. Vu Si Doan - University of Labour  and Social Affairs, [email protected]

Dr. Nguyen Van Tuan - University of Social Sciences and Humanities- Vietnam National University Ho Chi Minh City, [email protected]

             Dr. Nguyen Thi Thom - University of Transport Technology

 

Training, fostering and developping the high quality human resources to meet the needs of accelerating industrialization, modernization and international integration are undertakings, policies truly of the Party and State and Hanoi capital in recent years. In order to implement the undertakings , the policy requires the Hanoi capital must attach great importance to improve the quality of faculty staff in universities and colleges. Thus, in the article, the authors analyze situation (achievements, limitations and weakness ) of quality staff, lecturers of universities, colleges in the capital today. On this basis, the author offers some basic solutions to promote the improvement of the quality of faculty staff in universities and colleges in the province's Hanoi capital in the international integration  process.

Keywords: faculty staff; college; Hanoi; international integration; Advanced.

Paper’s ID: VS3.00102I

MỞ ĐẦU

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng luôn được các quốc gia trên thế giới quan tâm, chú trọng, coi đây là nguồn nhân lực “đặt nền móng” cho việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng cho quá trình hội nhập quốc tế. Sau khi sát nhập (2008), với diện tích bằng 1% và dân số 8% toàn quốc[1], thủ đô Hà Nội luôn giữ vị trí quan trọng đặc biệt, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và đối ngoại của đất nước. Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, thời gian qua, thủ đô Hà Nội có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đổi mới, phát triển hệ thống giáo dục, trong đó coi trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Trong những năm qua, hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng ở thủ đô Hà Nội không ngừng đổi mới, nâng cao về mọi mặt. Trong đó, chất lượng cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng không ngừng phát triển về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm, trình độ tin học, đạo đức nghề nghiệp,… Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá thực trạng (thành tựu, hạn chế và nguyên nhân), tác giả đưa ra một số giải pháp cơ bản nhằm đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thủ đô trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

NỘI DUNG

1. THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ GIẢNG VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Trên cơ sở kế thừa những thành tựu của nền giáo dục trước đó và tận dụng thế mạnh là địa phương tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng có bề dày truyền thống lịch sử nên đã quy tụ được đông đảo đội ngũ cán bộ giảng viên, các nhà khoa học hàng đầu trong nước và một số quốc gia trên thế giới đến giảng dạy, nghiên cứu. Cho nên, từ khi sát nhập đến nay, thành phố Hà Nội có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp (tài chính, nguồn nhân lực,…) cho quá trình phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Thực tiễn cho thấy, phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thủ đô đã đạt được một số thành tựu quan trọng song cũng bộc lộ một số hạn chế, khiếm khuyết đòi hỏi cần phải giải quyết hiệu quả, kịp thời trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

1.1. Một số thành tựu cơ bản

* Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giảng viên không ngừng nâng cao đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế

Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”;… các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thủ đô Hà Nội đã vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của mình nhằm phát triển, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ giảng viên. Các trường đã chú trọng đến việc đào tạo theo chiều sâu, thực hiện nhiều hình thức liên kết đào tạo, trao đổi học thuật chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đồng thời, khuyến khích đội ngũ cán bộ giảng viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, học thuật của mình. Với sự nỗ lực không ngừng, thành phố Hà Nội hiện có khoảng 67 trường đại học, học viện, cao đẳng (trong đó, có 43 trường đại học, học viện và 23 cao đẳng trực thuộc 11 bộ, ngành) đã có gần 1.400 giáo sư và phó giáo sư, hơn 3.000 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, hơn 8.000 thạc sĩ, gần 11.000 cử nhân, kỹ sư và tương đương và có khoảng 500.000 sinh viên chính quy các hệ.[2] Đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ cao được đào tạo ở nước có nền giáo dục phát triển ngoài ngày càng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Với năng lực và khả năng của mình, họ là bộ phận cung cấp những tri thức, phương pháp và cách thức làm việc hiện đại, khoa học ở các nước trên thế giới để truyền cho người học.

Thực tiễn cho thấy, đội ngũ cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đã tham gia tích cực vào hoạt động đào tạo và nghiên cứu, ứng dụng các lĩnh vực khoa học - công nghệ. Việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ giảng viên sẽ là cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở thủ đô sẽ là nền tảng xây dựng, phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước và thủ đô Hà Nội trong quá trình hội phát triển, nhập quốc tế.

* Đội ngũ cán bộ giảng viên luôn tích cực tham gia vào hoạt động nghiên cứu và hướng dẫn khoa học

Để phát triển nền kinh tế tri thức và tích cực hội nhập quốc tế, hoạt động nghiên cứu khoa học luôn được các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội quan tâm, chú trọng. Cùng với hoạt động giảng dạy, hoạt động nghiên cứu khoa học được coi là một trong hai nhiệm vụ quan trọng nhất của cán bộ giảng viên. Trong những năm qua, các trường từng bước xây dựng những cơ chế cụ thể cho hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn lý thuyết với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu cạnh tranh nguồn nhân lực ngày càng cao. Do đó, các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên ngày càng đi vào chiều sâu, yêu cầu sản phẩm tạo ra từ nghiên cứu phải có giá trị thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế tri thức. Thực tiễn cho thấy, kết quả nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn được đánh giá tốt, có tính ứng dụng cao trong sản xuất và đời sống, giải quyết các vấn đề thực tiễn, tạo đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế.

Từ năm 2010 đến nay, đội ngũ cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai, nghiệm thu hơn 600 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước; gần 7.000 đề tài cấp bộ, tương đương và cấp trường; gần 10.000 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước và gần 3.000 công trình khoa học, những cải tiến ứng dụng được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trên thế giới.[3]

Bảng 1. Hoạt động tham gia nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội

STT

Loại hình

2010

2011

2012

2013

2014

1

Đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước

60

59

144

207

154

2

Đề tài nghiên cứu cấp bộ, tương đương và cấp trường

1.794

1.425

1.36

1.215

1.179

3

Bài báo khoa học, công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước

1.97

1.954

2.285

2.483

1.131

4

Bài báo khoa học, công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế

542

640

676

629

510

(Nguồn: Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ II Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2015).

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thủ đô Hà Nội đã tích cực hướng dẫn, giúp đỡ nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên tham gia vào các đề tài nghiên cứu. Hoạt động này không chỉ giúp cho người học có khả năng tiếp cận được phương pháp nghiên cứu hiện đại, khoa học mà cũng là cơ hội cho cán bộ giảng viên củng cố, nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học của mình. Theo thống kế, trung bình mỗi năm thu hút hơn 8.000 sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, nhiều đề tài của sinh viên đạt giải thưởng cấp bộ, trường… Trong đó, nhiều công trình của sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh đã đem lại những giá trị to lớn cho hoạt động sản xuất, cải tạo môi trường sống, chế tạo vật liệu mới được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao.

Biểu đồ 1: Say mê nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên  các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội

                                                    (Đơn vị tính: Tỉ lệ %)

 

 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(Nguồn: Nguyễn Văn Tuân (Chủ biên, 2015), các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 72).

* Hoạt động hợp tác quốc tế về nâng cao chất lượng cán bộ giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thủ đô được thúc đẩy theo chiều sâu

Hợp tác quốc tế là cơ hội cho các trường xây dựng được những chuyên gia giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo, là cơ hội cho cán bộ giảng viên trong trường được trao đổi học thuật và nghiên cứu với các trường có uy tín trong khu vực và thế giới. Đồng thời, là mở ra cơ hội cho cán bộ giảng viên các trường có khả năng mở rộng hoạt động nghiên cứu đa ngành, liên lĩnh vực. Vì thế, trong những năm qua, hoạt động hợp tác quốc tế ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh. Chất lượng hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu. Các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội tích cực mở rộng hợp tác liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với một số trường đại học, học viện nổi tiếng trên thế giới (Hoa Kỳ, Anh, Canada, Nhật Bản,…). Số lượng các dự án đào tạo, hội thảo quốc tế và các công trình khoa học có hàm lượng tri thức cao ngày càng tăng nhanh.

Trong 5 năm (2010 - 2015), các trường đã ký hơn 300 dự án hợp tác đào tạo, liên kết với nước ngoài; 230 công trình hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các trường và tổ chức quốc tế; 270 hội thảo khoa học mang tầm khu vực; 500 hội thảo liên kết giữa các trường; trao đổi gần 3.000 lượt giảng viên, sinh viên học tập, nghiên cứu với các đối tác nước ngoài; tổ chức hàng trăm lượt sinh viên tham gia các các cuộc thi tay nghề trong khu vực và quốc tế. Quan hệ hợp tác quốc tế được mở rộng hỗ trợ cho phát triển chung của nhà trường, nâng cao năng lực đào tạo, đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển cơ sở sản xuất theo hướng hiện đại hóa, hội nhập vào nền giáo dục chung của khu vực và thế giới.[4]  

* Luôn coi trọng xây dựng đạo đức, lối sống cho cán bộ giảng viên

Để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên “toàn diện”, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn luôn coi trọng việc xây dựng và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ giảng viên trước sự tác động của nền kinh tế thị trường và những biểu hiện lệch lạc trong đời sống xã hội.

Đạo đức nhà giáo là cơ sở để các nhà giáo nỗ lực tự rèn luyện phù hợp với nghề dạy học được xã hội tôn vinh, đồng thời là một trong những cơ sở để đánh giá, xếp loại và giám sát nhà giáo nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, có tính tích cực học tập, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp sư phạm, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực, thực sự là tấm gư­ơng cho người học noi theo. Trong những năm qua, các trường đã xây dựng nhiều quy định và tổ chức nhiều hội thi, phát động nhiều phong trào nhằm đề cao việc xây dựng phẩm chất đạo đức lối sống mẫu mực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đặc biệt, thông qua việc triển khai Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Thông qua nhiều phong trào, hội thi, cuộc vận động, đội ngũ cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn đã thực hiện tốt những chuẩn mực của đạo đức nghề nghiệp: Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng; tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành; công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.

Bên cạnh phương diện đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh cho đội ngũ cán bộ giảng viên cũng dành sự quan tâm đặc biệt của các trường, coi đây là yếu tố quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu giáo dục của các trường và của ngành trong sự nghiệp “trồng người”: sống có lí tưởng, có mục đích, có ý chí vượt khó vươn lên, có tinh thần phấn đấu liên tục với động cơ trong sáng và tư duy sáng tạo; thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; có lối sống hoà nhập với cộng đồng, phù hợp với bản sắc dân tộc và thích ứng với sự tiến bộ của xã hội; biết ủng hộ, khuyến khích những biểu hiện của lối sống văn minh, tiến bộ và phê phán những biểu hiện của lối sống lạc hậu, ích kỉ; tác phong làm việc nhanh nhẹn, khẩn trương, khoa học; có thái độ văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội, trong giao tiếp với đồng nghiệp, với người học; giải quyết công việc khách quan, tận tình, chu đáo; trang phục, trang sức khi thực hiện nhiệm vụ phải giản dị, gọn gàng, lịch sự, phù hợp với nghề dạy học, không gây phản cảm và phân tán sự chú ý của người học; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ; đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định nghề nghiệp. Quan hệ, ứng xử đúng mực, gần gũi với nhân dân, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và người học; kiên quyết đấu tranh với các hành vi trái pháp luật; xây dựng gia đình văn hoá, thương yêu, quý trọng lẫn nhau; biết quan tâm đến những người xung quanh; thực hiện nếp sống văn hoá nơi công cộng.

* Trình độ tin học, ngoại ngữ cho cán bộ giảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ giảng viên trẻ bước đầu đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế

Thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của những công dân toàn cầu, do đó để đào tạo được những công dân toàn cầu người thầy hiểu rõ và bước đầu có những thực hành về yêu cầu của công dân toàn cầu. Một trong yêu cầu cơ bản là có trình độ tin học, ngoại ngữ để hội nhập. Nhận thức được tầm quan trọng đó, các trường đã tạo điều kiện về mọi mặt để đội ngũ cán bộ giảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ giảng viên trẻ tham gia vào các khóa đào tạo ngắn và dài hạn về tin học và ngoại ngữ.

Hàng năm, các trường đã tiến hành liên kết, mời các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước đến hướng dẫn, tập huấn và đào tạo kiến thức tin học, ngoại ngữ cho cán bộ giảng viên. Vì thế, trình độ ngoại ngữ, tin học của cán bộ giảng viên được nâng cao nhằm phục vụ cho các hoạt động hội thảo, trao đổi học thuật và hoạt động nghiên cứu tài liệu nước ngoài phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học: Có hàng trăm tài liệu được cán bộ giảng viên chuyên ngành của các trường biên dịch; tham gia viết tài liệu tham khảo, chuyên khảo, viết hội thảo, báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín; tham gia phản biện các đề tài, công trình khoa học trên thế giới,… Thực tế trên cho thấy, các trường đã nhận thức, triển khai đúng hướng theo chiều sâu khi tạo mọi điều kiện nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên.

* Các trường luôn coi trọng nâng cao trình độ lý luận chính trị trong phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên

Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ lý luận chính trị ngày càng cao luôn được các trường quan tâm, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững của nhà trường. Trong thời gian qua, các trường luôn lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc nâng cao trình độ lý luận chính trị. Các đơn vị thực hiện nghiêm túc Chương trình 04-Ctr/ĐUK của Đảng ủy Khối về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên trong Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội” và Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vì thế, hàng năm có trên 80% cán bộ đảng viên là giảng viên đạt tiêu chuẩn “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”, 15% đảng viên đạt tiêu chuẩn “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Cán bộ giảng viên được tham gia vào các lớp đào tạo trình độ lý luận cao cấp, trung cấp và sơ cấp ngày càng cao trong 5 năm gần đây (2010-2015),  có 90% cán bộ được quy hoạch cấp ủy được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị[5]… Đội ngũ cán bộ giảng viên cũng tích cực tham gia vào các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và lớp bồi dưỡng đảng viên mới do Đảng ủy trường và các trường chính trị tổ chức.

Ngoài ra, việc nâng cao trình độ lý luận chính trị sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ giảng viên luôn có lập trường tư tưởng chính trị rõ ràng, kiên định mục tiêu của Đảng, Nhà nước đã đề ra. Đồng thời, có định hướng đúng đắn, phù hợp và kịp thời cho người học trong quá trình giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học.

Biểu đồ 2: Tham gia học tập các lớp lý luận chính trị của cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội

                                                  (Đơn vị tính: Tỉ lệ %)

(Nguồn: Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ II Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2015).

1.2. Hạn chế và nguyên nhân

Trong thời gian qua, mặc dù các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên, tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa xứng đáng với sự quyết tâm, các biện pháp mà các trường đã đề ra. Trong thực tiễn, việc phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn còn nhiều bất cập, khuyến khuyết tồn tại đã ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của các trường:

Thứ nhất, việc coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên giữa các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thủ đô Hà Nội chưa thực sự đồng đều. Do tác động của nền kinh tế thị trường và chủ trương thực hiện “tự chủ” trong giáo dục đại học, cao đẳng nên một số trường chưa thực sự chú trọng đến nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ giảng viên. Dẫn đến một bộ phận không nhỏ cán bộ giảng viên ở những trường đó thiếu cơ hội học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị khác trong nước và quốc tế.

Thứ hai, chưa thực sự có cơ chế chính sách đặc thù cho cán bộ giảng viên giảng dạy có trình độ chuyên môn cao dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám diễn ra thường xuyên. Thực tiễn, nhiều trường cho cán bộ giảng viên đi học tập nâng cao chuyên môn nhưng sau đó họ sẵn sang trả lại kinh phí hỗ trợ đào tạo để chuyển sang môi trường làm việc có thu nhập hoặc có môi trường học thuật tốt hơn. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế, chính sách đãi ngộ nhằm thu hút đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ (học hàm, học vị) cao về công tác. Tư duy lạc hậu, thiếu khoa học trong sử dụng nguồn nhân lực trong các đơn vị đào tạo vẫn còn tồn tại nên chưa phát huy được trình độ năng lực của người tài trong đơn vị.

Thứ ba, mô hình xây dựng, đào tạo và liên kết đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giảng viên của các trường rất bất cập. Công tác tuyển chọn ở một số đơn vị còn thiếu minh bạch, chưa chú trọng giữ lại, đào tạo, cho đi đào tạo ở môi trường học thuật cao ở các nước cho những sinh viên xuất sắc, tài năng. Vì thế, nạn sính bằng cấp xảy ra trong chính đội ngũ cán bộ giảng viên. Không ít cán bộ giảng dạy trái chuyên môn, thậm chí tốt nghiệp đại học tại chức, liên thông rồi học lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ nhằm thực hiện theo quy chuẩn của Nhà nước rồi đi giảng dạy cho bậc học đại học và sau đại học.

Thứ tư, công tác quy hoạch cán bộ giảng viên còn chưa thực sự hợp lý về cơ cấu, trình độ chuyên môn và năng lực nghiên cứu khoa học. Hiện nay, nhiều trường bổ nhiệm cán bộ trái chuyên môn làm giảm đi uy tín của đơn vị, thậm chí của chính người được bổ nhiệm. Nhiều cán bộ có năng lực vì lý do nào đó chưa được quy hoạch, bổ nhiệm dẫn đến mâu thuẫn trong nội bộ cơ quan.

Thứ năm, việc đầu tư, liên kết, hợp tác đào tạo cán bộ giảng viên với các trường có uy tín trong khu vực và thế giới còn nhiều hạn chế. Cơ chế hợp tác còn nhiều bất cập về phía ta nên các trường bạn không muốn liên kết, thậm chí sẵn sàng phá bỏ hợp đồng, chịu đền phí vì những yêu cầu bấp cập các trường phía ta đưa ra. Ngoài ra, công tác nghiên cứu, tổng kết việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thủ đô Hà Nội chưa được làm thường xuyên, nhìn nhận nghiêm túc nên chưa đạt được kết quả cao. 

2. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN  

Với mục tiêu: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ, văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô”[6], cho nên, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thủ đô Hà Nội là nhiệm vụ hàng đầu nhằm xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thủ đô và cho cả nước. Vấn đề này luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, chính quyền, ban ngành trên địa bàn. Trước bối cảnh hội nhập quốc tế, việc nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thủ đô Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong bài viết này, chúng tôi đưa ra một số giải pháp cơ bản  nhằm đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thủ đô Hà Nội trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, coi nâng cao hiệu quả chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ cán bộ giảng viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi đơn vị đào tạo

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”([7]),“Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”([8]). Điều đó cho thấy tầm quan trọng của cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Vì vậy, bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội không chỉ đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, kiến thức sư phạm mà còn đòi hỏi phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, phải có kiến thức thực tiễn, gương mẫu trong lời nói, việc làm và trong cuộc sống. Nếu không ý thức đầy đủ yêu cầu đó để thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn và rèn luyện đạo đức thì cũng rất dễ đánh mất uy tín của cá nhân và truyền thống tốt đẹp của nhà trường mà bao thế hệ đã dày công vun đắp.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để xây dựng được đội ngũ cán bộ giảng viên, các trường cần tập trung một số biện pháp để đáp ứng yêu cầu của cải cách giáo dục. Đồng thời, việc nâng cao trình độ mọi mặt đòi hỏi đội ngũ giảng viên cần phải tự vươn lên. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ giảng viên phải thường xuyên nỗ lực “rèn đức, luyện tài”, xác định học tập là nhiệm vụ suốt đời không mệt mỏi. Để làm được điều này cần phải có sự phối hợp giữa nhà trường và cán bộ giảng nên như sau:

Lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng cần tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và khuyến khích cán bộ giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Coi việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ cán bộ giảng viên phải sát với yêu cầu thực tế. Nội dung bồi dưỡng tập trung nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp sự phạm: Phương pháp dạy học sáng tạo; khơi dậy lòng say mê sáng tạo, cầu tiến bộ; Khắc phục tư tưởng thụ động, thỏa mãn, ngại phấn đấu học tập rèn luyện. Đồng thời, thực hiện đồng bộ có hiệu quả các biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng và thái độ tích cực… Đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục tổng kết đúc rút kinh nghiệm. Khắc phục bệnh hình thức, thành tích trong tổ chức thực hiện.

Các trường cần tổ chức thường xuyên hơn nữa các buổi sinh hoạt chuyên môn theo định kỳ hàng tháng, tổ chức các buổi toạ đàm, sinh hoạt khoa học để cán bộ giảng viên phát huy trí tuệ của mình, trao đổi học tập lẫn nhau để làm giàu thêm tri thức của mình. Hằng năm, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội nên tổ chức các phong trào thi đua thiết thực trong từng đơn vị như: thi giảng viên dạy giỏi cấp khoa, trường và có chế độ khen thưởng; khuyến khích động viên kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình đã nỗ lực vươn lên trong học tập, giảng dạy…

Ngoài ra, các trường thường xuyên tạo mọi điều kiện cho cán bộ giảng viên được tham gia các chương trình học như thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước... các khóa học, tập huấn chuyên sâu để mở mang, làm giàu tri thức, nâng cao được về chuyên môn. Nên tham gia và có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng và đạt hiệu quả cao... Đặc biệt, các trường cần xây dựng cơ chế, chính sách mang tính chất đặc thù nhằm khuyến khích cán bộ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, giảng dạy với các trường trong khu vực và thế giới; trân trọng và tạo mọi điều kiện cho những cán bộ giảng viên có những sáng kiến có thể ứng dụng vào thực tiễn đời sống đem lại lợi ích kinh tế cho nhà trường.

Thứ hai, mỗi cán bộ giảng viên cần thường xuyên nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy và tu dưỡng đạo đức, lối sống

Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy của đội cán bộ, giảng viên là nhiệm vụ cần thiết trong nhà trường. Để trở thành con người có nhân cách trước hết phải là con người có tri thức, có kiến thức. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ giảng viên phải thường xuyên cập nhật thông tin để tiếp cận một cách sâu rộng vào kho tàng văn hóa của nhân loại về các lĩnh vực trong xã hội, khoa học... Cán bộ giảng viên cũng rất cần chú trọng đến phương pháp giảng dạy sao cho luôn thu hút được sinh viên. Giảng viên phải luôn đổi mới, tìm ra cách truyền đạt có hiệu quả nhất.

Để vấn đề tự học ở người cán bộ giảng viên được nâng cao cần thành lập các câu lạc bộ, các diễn đàn trao đổi về tri thức giữa giảng viên. Các diễn đàn này cần được tiến hành thường xuyên, có sự giao lưu giữa cán bộ giảng viên trong từng trường, giữa các trường đại học với nhau. Hàng năm, các trường thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học nhằm tiếp thu sáng kiến kinh nghiệm và tạo sân chơi tri thức cho cán bộ giảng viên.

Ngoài ra, mỗi cán bộ giảng viên phải luôn trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Việc trau dồi trình độ kiến thức, năng lực chuyên môn, cần phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để giữ vững phẩm chất chính trị, nâng cao đạo đức cách mạng, góp phần cùng với Đảng bộ các trường thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới. Cán bộ giảng viên phải xây dựng, giữ gìn được những chuẩn mực đạo đức. Sự gương mẫu của người thầy không phải chỉ giới hạn ở trong phạm vi nhà trường mà còn ở mọi nơi, mọi lúc, trong gia đình và ngoài xã hội. Những kiến thức của thầy cung cấp rồi sẽ cũ đi theo sự phát triển của xã hội nói chung nhưng đạo đức, nhân cách của người thầy còn đọng mãi trong các thế hệ học trò.

Tình hình đất nước hiện nay, dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường, đội ngũ cán bộ giảng viên chịu tác động cả mặt tốt và mặt xấu của nó. Để luôn giữ vai trò là “người ươm mầm tri thức”, xứng đáng với danh hiệu nhà giáo mẫu mực, đội ngũ giảng viên không những phải có chuyên môn vững chắc, mà còn phải có tình yêu thương sâu sắc đối với con người, với đồng nghiệp, với sinh viên... Tình yêu thương đó phải trở thành hành động trực tiếp, bằng những hành vi, những việc làm cụ thể, hữu hiệu, thiết thực.

Cán bộ giảng viên luôn luôn tự rèn luyện nhân cách bản thân bằng việc giữ tác phong sư phạm, chú trọng từ cách ăn mặc đến ngôn ngữ cử chỉ phải mang tính mô phạm, chuẩn mực. Giảng viên có mối quan hệ tốt, tương trợ lẫn nhau với đồng nghiệp, thái độ với sinh viên hòa nhã, thân thiện, vui vẻ, sẵn sàng giúp sinh viên trong học tập cũng như các vấn đề mà họ còn băn khoăn. Thầy cô phải là những người khiêm tốn, giản dị, tôn trọng pháp luật, nguyên tắc kỷ luật như thực hiện đúng quy chế giảng dạy, đúng giờ...; kiên quyết không để cho bất cứ hình thức tiêu cực nào diễn ra trong học tập thi cử: quay bài, chạy điểm, nâng điểm một cách không chính đáng; thực hiện công tác tự phê bình bản thân thường xuyên, sẵn sàng nhận khuyết điểm, thiếu sót của mình trước tập thể sinh viên.

Thứ ba, các trường phải coi trọng công tác bố trí, sắp xếp cán bộ giảng viên đúng chuyên môn và phù hợp với năng lực

Quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đồng thời đòi hỏi công tác tổ chức cán bộ cũng chú ý đúng mức đến việc bố trí, sử dụng, cấn nhắc cán bộ giảng viên “đúng tiêu chuẩn, phù hợp sở trường”. Đề bạt cán bộ phải đúng lúc, đúng người, đúng việc”. Đây là điều kiện quyết định để cán bộ có khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Bố trí, đề bạt cán bộ giảng viên phải đúng và trúng nhằm phát huy hết khả năng, sở trường của họ. Công việc này phải đảm bảo tính kế thừa, ổn định và phát triển. Trong mỗi chuyên ngành cần bố trí kết hợp giữa các thế hệ giảng viên, giảng viên trẻ với giảng viên lớn tuổi để bổ sung cho nhau về năng lực cũng như kinh nghiệm thực tế, kết hợp được những phẩm chất tốt của các thế hệ “trẻ xông pha, già kinh nghiệm”. Có thể khẳng định việc lựa chọn, bố trí sử dụng đúng cán bộ sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên hiện nay. Chính vì vậy, việc lựa chọn đúng người thật sự có tâm, có tầm, có tài, có đủ tiêu chuẩn chính trị và bố trí giữ trọng trách tương xứng sẽ không chỉ phát huy được năng lực, sở trường của cán bộ mà còn tác động mạnh mẽ, tạo được sự đồng thuận, “tâm phục, khẩu phục” đối với bộ phận, cán bộ thuộc quyền. Để thực hiện tốt hơn, lãnh đạo các trường phải thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để cán bộ giảng viên trong đơn vị tham gia vào các hoạt động của cuộc vận động nghiên cứu khoa học; thường xuyên trao đổi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ giảng viên trong từng đơn vị.

Thứ tư, các trường thường xuyên quan tâm tạo dựng môi trường công tác thuận lợi cho cán bộ giảng viên học tập và nghiên cứu

Các trường nên tập trung đổi mới công tác đánh giá, bố trí sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ. Đánh giá cán bộ giảng viên phải trên cơ sở tiêu chí cụ thể, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, uy tín trong tập thể cán bộ giảng viên. Quá trình đánh giá phải được tiến hành theo một quy trình công khai dân chủ, đảm bảo công bằng, khách quan. Tiếp tục rà soát bổ sung hoàn thiện quy trình bố trí, đề bạt và thực hiện chính sách cán bộ. Thông qua việc đánh giá cán bộ về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, uy tín, năng lực sở trường, hiệu quả công tác để bố trí cán bộ vào những vị trí phù hợp.

Để hội nhập quốc tế hiệu quả, các trường cần quan tâm đặc biệt đến xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên trẻ, vì đó là việc hết sức cần thiết nhằm tạo ra đội ngũ kế cận trong tương lai.. Ngay từ khâu tuyển dụng phải xem xét kỹ lưỡng về chuyên ngành đào tạo, khả năng sư phạm, xem xét quá trình học tập, tu dưỡng tại các trường đại học… Tuyển dụng hoặc hợp đồng giảng viên nên mang tính “lâu dài”, có sự “gối đầu”, nối tiếp và kế thừa.

Các trường cần đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện tốt các chính sách đối với đội ngũ cán bộ giảng viên. Chính sách đối với đội ngũ cán bộ giảng viên là những quy định cụ thể về nhiều mặt trong quá trình công tác nhằm đãi ngộ tương xứng với sự cống hiến của đội ngũ cán bộ giảng viên phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong điều kiện cụ thể của từng trường. Có chính sách đúng đắn và tổ chức thực hiện tốt sẽ tạo ra động lực to lớn để khuyến khích, phát huy tính tích cực, nỗ lực, hăng hái của cán bộ giảng viên, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy khả năng sáng tạo và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Từ thực tiễn cho thấy, để thúc đẩy sự phát triển của đội cán bộ giảng viên phải thực hiện một cách đồng bộ hệ thống các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quy hoạch, quản lý cán bộ giảng viên, chính sách đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần, không ngừng chăm lo đời sống cho cán bộ giảng viên bằng những hành động cụ thể như sau: Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, chế độ, chính sách về đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá đối với đội ngũ cán bộ giảng viên: Xây dựng và ban hành bảng lương phù hợp với đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên có trình độ cao; Ban hành mức thưởng và phụ cấp riêng đối với đội ngũ cán bộ giảng viên  tùy theo điều kiện thực tế của nhà trường; Tăng nguồn kinh phí hỗ trợ cho cán bộ giảng viên đi học nâng cao trình độ, tạo điều kiện về thời gian và kinh phí cho giảng viên, đồng thời đưa ra những ràng buộc cụ thể để thu hút giảng viên sau khi học xong phục vụ cho nhà trường lâu dài, tránh tình trạng giảng viên có chuyên môn và năng lực chuyển ngành, chuyển đơn vị công tác, gây thiếu hụt giảng viên cho nhà trường.

Thứ năm, các trường nên tiếp tục mở rộng, liên kết đào tạo đội ngũ cán bộ với các trường đại học, học viện có uy tín trên thế giới

Để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đủ năng lực cạnh tranh với nguồn nhân lực trong khu vực và thế giới, các trường đại học, cao đẳng cần mở rộng, liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các trường đại học, học viện đúng chuyên ngành. Các trường nên thường xuyên mở các lớp ngắn hạn, các lớp tập huấn, tọa đàm, hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới để học tập kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực về  mọi mặt. Đồng thời, nên chủ động, tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên của trường học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và tu nghiệp sinh ở các nước có nền giáo dục hiện đại (các trường đại học, học viện ở Đức, Ba Lan, Canada…) để nâng cao kiến thức, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

KẾT LUẬN

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên của các trường đại học, cao đẳng là một tất yếu khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực. Trong những năm qua, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thủ đô Hà Nội luôn coi việc phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Vì thế, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thủ đô đã đào tạo được đội ngũ cán bộ giảng viên có năng lực chuyên môn cao, có đạo đức, lối sống lành mạnh và có tâm với nghề. Tuy nhiên, quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế đòi hỏi các trường và mỗi cán bộ giảng viên phải không ngừng nỗ lực để từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên thực sự có năng lực chuyên môn, có trình độ tin học, ngoại ngữ để không lạc hậu hơn so với các trường đại học, cao đẳng trong khu vực và thế giới.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

< >Hồ Chí Minh (2005), toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.Đảng bộ thành phố Hà Nội, Đảng bộ khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội (2015), Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ II Đảng bộ khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020.Đặng Xuân Hoan (2015), Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2015-2020 đáp ứng yêu cầu đảy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Tạp chí tổ chức nhà nước Việt Nam 20/04/2015, .Nguyễn Văn Khánh (2010), Xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.Đường Vinh Sường (2014), Giáo dục đào tạo với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay. 04 tháng 12 năm 2014.Thành ủy Hà Nội (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 30.Nguyễn Văn Tuân (Chủ biên, 2015), các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.Vũ Hải Yến (2013), Nguồn nhân lực chất lượng cao - Cần một nền giáo dục đại học đẳng cấp.(2013),  

[1] Thành ủy Hà Nội (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 30.

[2] Đảng ủy Bộ thành phố Hà Nội, Đảng bộ Khối các trường Đại học, cao đẳng Hà Nội (2015), Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ II Đảng bộ khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020.

[3] Đảng bộ thành phố Hà Nội, Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội (2015), Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ II Đảng bộ khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2015 -  2020.

[4] Đảng bộ thành phố Hà Nội, Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội (2015), Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ II Đảng bộ khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2015 -  2020.

[5] Đảng bộ thành phố Hà Nội, Đảng bộ khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội (2015), Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ II Đảng bộ khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020.

[6] Thành ủy Hà Nội (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 82.

([7]) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2000, tr.273.

([8]) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2000, tr.269.

Theo kỷ yếu Hội thảo Quốc tế - Việt Nam học lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội, tháng 12/2016