LỊCH SỬ KHOA LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Go88 bạn cũ bấm vào để nhập



LỊCH SỬ KHOA LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI

13/05/2016

          Lịch sử phát triển Khoa Lý luận Chính trị gắn liền với quá trình phát triển của Nhà trường. Từ khi Trường được thành lập, Khoa đã trải qua nhiều tên gọi như: Tổ Chính trị; Khoa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và nay là Khoa Lý luận chính trị

* Chức năng, nhiệm vụ Khoa Lý luận chính trị

Khoa Lý luận chính trị là Khoa trực thuộc Đảng ủy, Ban Giám Hiệu, tham mưu cho Đảng Uỷ, Ban Giám Hiệu về công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, thực hiện đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Nhiệm vụ chính của Khoa là giảng dạy các môn: Những Nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin; Tư Tưởng Hồ Chí Minh; Đường lối Cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; và Giáo dục Pháp luật theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, hàng năm các giảng viên còn tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn, gắn giảng dạy với nghiên cứu.

Kết hợp với các đơn vị Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Công đoàn, Phòng Công tác Học sinh, sinh viên, Ban Nữ công tổ chức các cuộc thi Olympic môn khoa học Mác-Lênin; Hội thi Tuyên truyền về an toàn giao thông… 

* Lịch sử phát triển Khoa Lý luận chính trị qua các thời kỳ

Ngành giao thông vận tải là mạch máu của nền kinh tế quốc dân, có vị trí quan trọng, liên quan đến mọi mặt của nền kinh tế, xã hội, quốc phòng. Việc đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho ngành giao thông vận tải trở thành yêu cầu cấp bách. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Trường Cao đẳng Công chính - tiền thân của Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải ngày nay - đã được khai giảng vào ngày 15 tháng 11 năm 1945 theo Nghị định của Bộ trưởng Quốc gia và Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính.

Từ những ngày đầu được thành lập năm 1945, bên cạnh việc đào tạo chuyên môn Nhà trường rất chú trọng đào tạo lý luận. Với phương châm giáo dục đúng đắn: “Lý thuyết gắn liền với thực tiễn, học kết hợp với lao động sản xuất”, Trường đã đạt nhiều thành tích tiêu biểu. Ngày 29 tháng 11 năm 1961, Trường vinh dự được Bác Hồ đến thăm, Người khẳng định vai trò quan trọng của giao thông: Như mạch máu chảy trong cơ thể con người, giao thông thông mọi việc ắt phải thông. Bác nhấn mạnh vai trò của việc học tập chính trị: “Chính trị là linh hồn, phải học chính trị mới biết học chuyên môn để phục vụ cho ai”. Thấy rõ được tầm quan trọng của việc giảng dạy chính trị, từ những thế hệ Thầy Cô đầu tiên dạy chính trị đã luôn say mê với giảng dạy, học tập và nâng cao trình độ chuyên môn góp phần đào tạo những thế hệ học sinh, sinh viên vừa giỏi về chuyên môn.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá đất nước, ngày 24/7/1996, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 480/TTg nâng cấp trường thành Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải, lúc này Khoa có tên gọi là Tổ Chính trị.

Tháng 3 năm 2004, thành lập Khoa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở Tổ bộ môn Chính trị. Lúc này Khoa gồm: 3 tổ: Tổ Văn phòng; Tổ Triết học; Lịch sử Đảng; Tư tưởng Hồ Chí Minh và tổ Kinh tế chính trị - CNXH. Tham gia giảng dạy trong Tổ bộ môn có 8 Thầy Cô.

Năm 2008, có nhiều thay đổi với Khoa, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cấu trúc lại chương trình các môn Khoa học Mác - Lênin, 3 môn học truyền thống gồm: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị học và Chủ nghĩa Xã hội khoa học được cấu trúc thành một môn học là Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam được cấu trúc lại và có tên gọi mới là Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và môn Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữu nguyên tên gọi.

 Với những thay đổi căn bản như trên, ngày 16 tháng 5 năm 2008, Khoa được đổi tên thành Khoa Lý luận chính trị với 3 Tổ môn được thành lập là: Tổ môn Nguyên lý Chủ nghĩa Mác - Lênin; Tổ môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Lúc này giáo viên trong Khoa có 16 giảng viên.

 Ngày 27/4/2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 630/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải.

Để đáp ứng yêu cầu của một trường Đại học, từ năm 2011 đến nay, cơ cấu tổ chức của Khoa cũng có nhiều thay đổi và được kiện toàn cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới:

Ngày 04 tháng 10 năm 2011, 3 Tổ môn trước đây được Hiệu trưởng ra quyết định đổi tên thành Bộ môn Nguyên lý Chủ nghĩa Mác - Lênin; Bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và Bộ môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 3 tháng 10 năm 2013, Trường ra Quyết định thành lập Hội đồng Khoa Lý luận chính trị, gồm 7 giáo viên.

Môn Giáo dục pháp luật từ lâu đã được giảng dạy cho tất cả các hệ đào tạo, song xuất phát từ tầm quan trọng của việc tuyên truyền Hiến pháp, Pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành luật pháp cho học sinh, sinh viên, ngày 6 tháng 5 năm 2014, Nhà trường quyết định thành lập thêm Bộ môn Giáo dục pháp luật.

   * Đội ngũ giảng viên

Đáp ứng yêu cầu và quy mô của một Trường Đại học trong thời kỳ hội nhập. Đồng thời, xuất phát từ tầm quan trọng của việc giảng dạy các môn lý luận chính trị, giảng viên được tuyển dụng về dạy tại Khoa được Nhà trường hết sức quan tâm  tuyển chọn.

Các giảng viên trong Khoa đều được đào tạo từ những trung tâm lý luận có uy tín hàng đầu trong cả nước như: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Đại học Sư phạm Hà Nội. Các Thầy, Cô đều là những sinh viên xuất sắc, được đào tạo từ những lớp chất lượng cao, có phẩm chất đạo đức tốt, nhiều Thầy Cô được kết nạp Đảng tại trường Đại học. Trong công tác chuyên môn các Thầy Cô đều là những giảng viên, gương mẫu, nhiệt tình, tâm huyết trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, luôn nêu cao tinh thần tích cực học tập nâng cao trình độ. Bởi vậy, đội ngũ cán bộ, giảng viên trong Khoa theo thời gian đã có sự gia tăng về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn Khoa có 19 giảng viên, trong đó có 02 Tiến sĩ, 05 Nghiên cứu sinh, 12 Thạc sĩ và hiện tại không còn giảng viên ở trình độ cử nhân.

   * Tổ chức chuyên môn

 Khoa Lý luận chính trị hiện nay có 4 Bộ môn chuyên môn, được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình, quản lý hồ sơ, bảo mật đề thi, đáp án, coi thi, chấm bài và các công tác khác của bộ môn, cụ thể:

1. Bộ môn: Những Nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác Lênin. Giảng dạy môn Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác Lênin Phần 1, 2 (Hệ CĐ, CĐLT, ĐH và Cao học). Chịu trách nhiệm về thi hết môn.

2. Bộ môn: Tư tưởng Hồ Chí Minh. Giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh (Hệ CĐ, CĐLT và ĐH) và môn Chính trị (Hệ Cao đẳng Nghề). Chịu trách nhiệm về thi hết môn và thi tốt nghiệp môn Chính trị (Hệ Cao đẳng nghề).

3. Bộ môn: Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giảng dạy môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam (Hệ CĐ, CĐLT và ĐH) và môn Chính trị (Hệ Trung cấp). Chịu trách nhiệm về thi hết môn và thi tốt nghiệp môn Chính trị (Hệ Trung cấp).

4. Bộ môn: Giáo dục Pháp luật. Giảng dạy môn Giáo dục Pháp luật (Hệ CĐ và ĐH). Chịu trách nhiệm về thi hết môn.

  * Các Tổ chức, đoàn thể

Các tổ chức, đoàn thể trong Khoa luôn được củng cố, kiện toàn và có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần hết sức quan trọng vào sự phát triển của Khoa.

Chi bộ: Có 19 Đảng viên, đạt tỷ lệ 100% toàn khoa. Các Đảng viên trong chi bộ là một khối thống nhất về tư tưởng và hành động, luôn có tinh thần đoàn kết, xây dựng Chi bộ trong sạch vững mạnh

Công đoàn: Có 19 đoàn viên công đoàn. Là tổ chức luôn chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho công đoàn viên, tổ chức các hoạt động tập thể, thăm hỏi, động viên kịp thời các trường hợp gặp khó khăn trong Khoa.

Nữ công: Có 14 giảng viên nữ luôn có tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn trong công việc và cuộc sống để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

* Những thành tích tiêu biểu của Khoa Lý luận chính trị

Về Chi bộ: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Uỷ, Nhà trường, Chi bộ Khoa Lý luận chính trị nhiều năm liên tiếp đạt danh hiệu: Chi bộ trong sạch vững mạnh.

Về hoạt động chuyên môn: Tập thể Khoa và các Bộ môn đã nhiều lần được Bộ Giao thông Vận tải tặng Bằng khen, Giấy khen. Hội đồng thi đua Nhà trường tặng danh hiệu Đơn vị tiên tiến xuất sắc. Khoa nhiều lần tổ chức thành công các Cuộc thi Olympic các môn khoa học Mác-Lênin, các buổi Hội thảo chuyên đề có tính thời sự. Có nhiều đề tài Nghiên cứu khoa học Cấp Trường được nghiệm thu, được Hội đồng Khoa học Nhà trường đánh gía có chất lượng, có ý nghĩa thực tiễn trong giảng dạy và học tập cho sinh viên. Nhiều cá nhân trong Khoa đã đạt danh hiệu: Chiến sỹ thi đua cơ sở; Giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp tỉnh.

Về hoạt động phong trào: Tập thể và cá nhân trong Khoa đã đạt được nhiều giải cao trong các Hội thi: “Hội thi cắm hoa”; “Hội thi Tuyên truyền về An toàn giao thông, Văn hoá giao thông”; “Hội thi Tin học và Tiếng Anh”. Giải nhì Toàn Quốc Cuộc thi: Tuyên truyền viên về An toàn giao thông do Bộ Giao thông  vận tải tổ chức. Ngoài ra, tập thể và cá nhân trong Khoa còn đạt nhiều giải thưởng trong hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, quốc phòng an ninh.v.v...

Ngày 3/2/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 208/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn đến năm 2020 Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải  được quy hoạch phát triển thành trường Đại học Trọng điểm Quốc gia và giai đoạn 2021-2030 phát triển thành trường Đại học đẳng cấp khu vực và thế giới. Ý thức rõ được tầm quan trọng và vai trò của việc giảng dạy đáp ứng  yêu cầu của một trường đại học trọng điểm các giảng viên Khoa Lý luận chính trị tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt được trong giảng dạy chuyên môn, nghiên cứu khoa học và các hoạt động phong trào./.

Biên soạn Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Trưởng Bộ môn Đường lối CM của ĐCS Việt Nam