(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Bên cạnh đó, tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước. Đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics của khu vực.
Đồng thời, hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp.
6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu
Theo Kế hoạch, có 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; Phát triển thị trường dịch vụ logistics; Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực; Các nhiệm vụ khác.
Trong đó, sẽ hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics; tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics; đầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng; tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại I tại khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại II tại khu vực Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ;...
Với nhóm nhiệm vụ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ, khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến: Ngành dệt may, ngành da giầy, ngành đồ gỗ, ngành nông sản - thực phẩm; ngành cơ khí - chế tạo; doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích một số khu công nghiệp, khu chế xuất xây dựng hình mẫu khu công nghiệp dựa trên nền tảng logistics; tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước và các ngành dịch vụ khác; hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, tiến tới đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics;...
Còn với nhóm nhiệm vụ phát triển thị trường dịch vụ logistics, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics; thu hút nguồn hàng từ các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Nam Trung Quốc vận chuyển qua Việt Nam đi các nước và ngược lại; hỗ trợ nâng cao hiệu quả khai thác, tiếp thị và mở rộng nguồn hàng cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải; thúc đẩy phát triển thuê ngoài dịch vụ logistics;...
Dưới đây là toàn văn Quyết định 200/QĐ-TTG ngày 14 tháng 2 năm 2017 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ -------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------
Số: 200/QĐ-TTg
Hà Nội ngày 14 tháng 02 năm 2017
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH VÀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số ngày 27 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 (sau đây gọi là Kế hoạch hành động) với các nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
2. Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.
3. Phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
4. Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực.
5. Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, có năng lực cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế.
6. Nhà nước đảm nhiệm vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi cho nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
II. MỤC TIÊU
1. Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
2. Tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước. Đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics của khu vực.
3. Hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp.
4. Doanh nghiệp sản xuất, thương mại quản lý tốt chuỗi cung ứng, tiết kiệm nguyên vật liệu và chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa.
5. Ứng dụng các công nghệ mới trong logistics, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, trình độ cao về logistics, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất, thương mại của doanh nghiệp.
6. Hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước, bao gồm các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, pháp luật điều chỉnh ngành, bộ máy quản lý tương xứng với trình độ phát triển của dịch vụ logistics của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
III. CÁC NHÓM NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics.
2. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics.
3. Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ.
4. Phát triển thị trường dịch vụ logistics.
5. Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.
6. Các nhiệm vụ khác.
Các nhiệm vụ cụ thể nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động được huy động từ các nguồn: vốn ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, tài trợ quốc tế và nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, thực hiện theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành, cụ thể như sau:
a) Các dự án, nhiệm vụ thuộc phạm vi chi của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ do ngân sách Trung ương bảo đảm và được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của cơ quan.
b) Các dự án, nhiệm vụ thuộc phạm vi chi của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do ngân sách địa phương bảo đảm và được bố trí trong ngân sách hàng năm của địa phương.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Công Thương:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch hành động này; đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động.
b) Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát quá trình thực hiện Kế hoạch hành động này.
c) Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện hàng năm, đề xuất sửa đổi, bổ sung Kế hoạch hành động khi cần thiết; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Căn cứ Kế hoạch hành động này, các Bộ, ngành xây dựng, tổ chức thẩm định, phê duyệt, bố trí ngân sách và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo phân cấp và quy định của pháp luật hiện hành để triển khai các nhiệm vụ quy định tại Mục III và Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
3. Căn cứ tình hình phát triển dịch vụ logistics tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics của địa phương mình, phê duyệt và bố trí ngân sách để triển khai thực hiện theo quy định.
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; - Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam; - Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam; - Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam; - Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam: - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: CN, NN, V.I , KGVX, TKBT, TH, TCCV, Cục KSTT, TGĐ Cổng TTĐT; - Lưu: VT, KTTH (3b). LT
KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Trịnh Đình Dũng
CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH VÀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS ĐẾN NĂM 2025
(ban hành kèm theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệtKế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025)
TT
Nhiệm vụ
Kết quả đạt được
Cơ quan thực hiện (*)
Thời gianthực hiện/ hoàn thành
I
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics
1.
Bổ sung, sửa đổi nội dung về dịch vụ logistics trong Luật Thương mại
Tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logistics
Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp
2020
2.
Ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 140/2007/NĐ-CP
Bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics
2017
3.
Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan đến logistics
Kiến nghị sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới
Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp
2018
4.
Rà soát, sửa đổi chính sách thuế, phí, giá dịch vụ liên quan đến logistics
Áp dụng giá dịch vụ sử dụng đường bộ và phí tại cảng theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động logistics
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính
5.
Rà soát các cam kết quốc tế về dịch vụ logistics tại WTO, ASEAN và các hiệp định thương mại tự do (FTA)
Kiến nghị các biện pháp đảm bảo tránh xung đột trong cam kết về logistics tại các diễn đàn quốc tế, tránh xung đột giữa cam kết quốc tế về logistics với pháp luật trong nước
Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp
6.
Xây dựng phương án đàm phán cam kết về dịch vụ logistics tại các FTA trong tương lai
Cam kết về logistics trong các FTA tương lai cần đồng bộ với các cam kết đã có và pháp luật trong nước, chú ý phát huy lợi thế của các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, đua Việt Nam trở thành một đầu mối logistics trong khu vực
Bộ Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
7.
Phổ biến, tuyên truyền về các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến dịch vụ logistics
Nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp về các cam kết quốc tế liên quan đến logistics để áp dụng đúng các cam kết này
2017 - 2025
8.
Đẩy mạnh các hoạt động thuận lợi hóa thương mại
Cải cách thủ tục hải quan, giảm và đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chuẩn hóa hồ sơ, triển khai các cam kết tại Hiệp định về Thuận lợi hóa thương mại của WTO
Bộ Tài chính, các Bộ ngành liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
9.
Đẩy mạnh áp dụng Cơ chế Một cửa Quốc gia
Áp dụng Cơ chế Một cửa Quốc gia cho tất cả các thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh
10.
Xây dựng Cổng thông tin thương mại
Hỗ trợ doanh nghiệp tra cứu thuế suất và các thủ tục xuất nhập khẩu liên quan đến từng mặt hàng
Bộ Tài chính, Bộ Công Thương
11.
Nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics tại địa phương
Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics tại địa phương hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
II
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics
12.
Rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics
Đảm bảo các quy hoạch, kế hoạch về giao thông, vận tải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính
13.
Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất địa phương gắn với phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics
Đảm bảo các quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
14.
Hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics
Ban hành chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistics và phát triển kết cấu hạ tầng logistics
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
2019
15.
Tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics
Mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới nhằm phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới và quá cảnh
Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam
16.
Đầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng
Xây dựng công trình giao thông, kho bãi, trung tâm logistics trên các tuyến đường, hành lang kết nối các cảng của Việt Nam với Lào, Campuchia, Thái Lan và Nam Trung Quốc
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các địa phương liên quan
17.
Đẩy mạnh phát triển loại hình vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, nhất là đối với hàng hóa quá cảnh
Tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển theo hình thức vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, quá cảnh
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương
18.
Đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải nhằm phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý
Khắc phục tình trạng bất hợp lý về cơ cấu vận tải, tăng thị phần của các phương thức vận tải khối lượng lớn, tăng cường kết nối các phương thức vận tải, giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải
Bộ Giao thông vận tải, các Hiệp hội liên quan
19.
Nâng cao năng lực vận chuyển hàng hải
Tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển. Điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng biển theo hướng tập trung phát triển lợi thế kinh tế vùng. Nâng cao chất lượng dịch vụ của đội tàu Việt Nam
Bộ Giao thông vận tải
20.
Mở rộng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa
Tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa. Xây dựng các cảng thủy nội địa có trang thiết bị hiện đại, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Đồng bằng Sông Hồng
21.
Hiện đại hóa hệ thống đường sắt và nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt
Tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt. Giảm thời gian, tăng độ tin cậy và chất lượng dịch vụ. Kết nối tốt đường sắt với các hệ thống đường bộ, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa
22.
Tăng cường năng lực vận chuyển và xử lý hàng hóa bằng đường hàng không
Tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không. Xây dựng các nhà ga hàng hóa hiện đại, công suất xử lý hàng hóa lớn, mức độ tự động hóa cao
23.
Hợp lý hóa vận chuyển đường bộ
Duy trì lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ có tính cân đối với các phương thức vận chuyển khác. Nâng cao độ tin cậy, tránh ùn tắc, giảm chi phí khi vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ
24.
Phát triển sàn giao dịch logistics
Tối ưu hóa vận tải hai chiều hàng hóa, container
25.
Cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử
Phát triển hệ thống vận chuyển nhằm đáp ứng xu thế phát triển của thương mại điện tử, trong đó chú trọng đến giao hàng chặng cuối
Bộ Công Thương, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam
26.
Tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại I tại khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh
Hình thành các trung tâm logistics loại I, đóng vai trò kết nối Việt Nam với quốc tế
Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các địa phương liên quan
2021
27.
Tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại II tại khu vực Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ
Hình thành các trung tâm logistics loại II, đóng vai trò kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam
Ủy ban nhân dân các địa phương liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương
2023
28.
Phát triển các trung tâm logistics hàng không, trong đó chú trọng trung tâm logistics nối dài ngoài sân bay, phục vụ các mặt hàng đặc biệt
Hình thành các trung tâm logistics hàng không, trong đó có khu vực phục vụ các mặt hàng đặc biệt (hàng nguy hiểm, hàng giá trị cao, hàng công nghệ cao, hàng cần chế độ bảo quản đặc biệt..)
Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.
29.
Vận động thu hút đầu tư xây dựng trung tâm logistics để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam với thị trường toàn cầu:
Hình thành các trung tâm logistics ở nước ngoài làm đầu cầu, tập kết và phân phối hàng hóa Việt Nam đến các thị trường quốc tế
Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.
a)
- Khu vực Đông Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc
b)
- Khu vực Châu Âu: Hà Lan, Bỉ, Italia, Nga
c)
- Khu vực Châu Mỹ: Hoa Kỳ, Panama, Brasil
d)
- Khu vực Nam Á, Tây Á và Châu Phi: Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Nam Phi
III
Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ
30.
Khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến:
Doanh nghiệp trong một số ngành áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ mới trong logistics
Bộ Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, các hiệp hội ngành nghề liên quan
- Ngành dệt may
- Ngành da giầy
- Ngành đồ gỗ
- Ngành nông sản - thực phẩm
đ)
- Ngành cơ khí - chế tạo
e)
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa
31.
Khuyến khích một số khu công nghiệp, khu chế xuất xây dựng hình mẫu khu công nghiệp dựa trên nền tảng logistics
Một số khu công nghiệp, khu chế xuất cung cấp các dịch vụ logistics khép kín, hỗ trợ doanh nghiệp trong khu rút ngắn thời gian, chi phí giao nhận nguyên vật liệu và sản phẩm
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các địa phương liên quan
32.
Ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật cho phát triển dịch vụ logistics, xã hội hóa nguồn lực cho phát triển dịch vụ logistics
Nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics
Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics
33.
Tích hợp sâu dịch vụ logistics với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong nước và các ngành dịch vụ khác
Nâng cao số lượng doanh nghiệp sản xuất, thương mại có sử dụng dịch vụ logistics để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
34.
Đẩy mạnh xây dựng dịch vụ logistics trọn gói 3PL, 4PL
Nâng cao số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trọn gói, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm đạt chất lượng dịch vụ cao hơn
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, các Hiệp hội ngành hàng liên quan
35.
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics
Doanh nghiệp dịch vụ logistics, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước, phát triển thị trường, đào tạo, tiếp cận thông tin
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
36.
Hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, tiến tới đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics
Hình thành những doanh nghiệp lớn về logistics, tạo định hướng và động lực phát triển thị trường
2022
37.
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics
Doanh nghiệp nâng cao trình độ, năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam
IV
Phát triển thị trường dịch vụ logistics
38.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics
Đăng cai, tổ chức các hội thảo, hội chợ, triển lãm quốc tế về logistics. Tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế về logistics. Tổ chức các đoàn nghiên cứu ra nước ngoài và mời các đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam trao đổi cơ hội đầu tư, hợp tác về phát triển dịch vụ logistics
39.
Thu hút nguồn hàng từ các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Nam Trung Quốc vận chuyển qua Việt Nam đi các nước và ngược lại
Nâng cao lưu lượng hàng hóa từ các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Nam Trung Quốc vận chuyển qua Việt Nam đi các nước và ngược lại
Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam
40.
Hỗ trợ nâng cao hiệu quả khai thác, tiếp thị và mở rộng nguồn hàng cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải
Nâng cao lưu lượng hàng hóa tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, đưa cụm cảng trở thành đầu mối thu gom và trung chuyển hàng hóa trong khu vực
41.
Thúc đẩy phát triển thuê ngoài dịch vụ logistics
Đẩy mạnh tuyên truyền cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa về việc sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài theo hướng chuyên môn hóa, phân công lao động hợp lý trong chuỗi cung ứng
Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam
42.
Định hướng thay đổi hành vi trong thương mại quốc tế, gắn kết giữa doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics
Thay đổi điều kiện giao hàng "mua CIF, bán FOB", nâng cao ý thức của doanh nghiệp chủ hàng, tạo cơ sở cho doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tham gia vào nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng với hàm lượng giá trị gia tăng ngày càng cao
2017-2025
43.
Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về logistics
Tăng cường liên kết với các hiệp hội và doanh nghiệp dịch vụ logistics khu vực ASEAN và trên thế giới. Thu hút đông đảo doanh nghiệp logistics nước ngoài đến làm ăn, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam
V
Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực
44.
Đẩy mạnh đào tạo về logistics ở cấp đại học
Các trường đại học nghiên cứu xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo về logistics, thành lập khoa logistics. Công nhận chuyên ngành đào tạo logistics
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải
45.
Đẩy mạnh đào tạo nghề về logistics
Xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề và khung trình độ quốc gia đào tạo nghề về logistics tương thích với trình độ chung của ASEAN và quốc tế. Các cơ sở đào tạo nghề triển khai đào tạo nghề liên quan đến logistics
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.
46.
Nâng cao số lượng và chất lượng giảng viên về logistics
Thu hút giảng viên trong lĩnh vực logistics. Xây dựng tiêu chí kiến thức và bồi dưỡng nâng cao trình độ cho các giảng viên này
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
47.
Đào tạo cơ bản về logistics cho cán bộ quản lý doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước
Tổ chức đào tạo cơ bản về logistics cho cán bộ quản lý doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước để có thể vận dụng trong hoạt động chuyên môn của đơn vị mình
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Bộ Công Thương
48.
Kết nối các tổ chức đào tạo, doanh nghiệp logistics Việt Nam với các tổ chức đào tạo nước ngoài
Hợp tác với các tổ chức đào tạo nước ngoài tiến hành các khóa đào tạo dựa trên thực tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, huấn luyện nhân lực về logistics
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
49.
Tổ chức các chương trình khoa giáo về logistics phổ biến qua các phương tiện thông tin đại chúng
Sử dụng các phương tiện truyền thông nhằm quảng bá rộng rãi về vai trò, tầm quan trọng của logistics, doanh nghiệp dịch vụ logistics
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông
50.
Hình thành một số trung tâm nghiên cứu mạnh về logistics
Hình thành một số trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về logistics nhằm nghiên cứu, nắm bắt các xu hướng, công nghệ tiên tiến trong logistics, triển khai ứng dụng vào thực tế nhanh chóng và hiệu quả
Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam
VI
Các nhiệm vụ khác
51.
Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về logistics
Nghiên cứu khả năng thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về logistics, thành lập bộ phận tham mưu về logistics ở một số Bộ ngành để giúp Chính phủ điều phối các hoạt động về logistics
Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải
52.
Củng cố, nâng cao vai trò của các Hiệp hội trong lĩnh vực logistics
Phát huy vai trò của các Hiệp hội trong lĩnh vực logistics nhằm xác định tầm nhìn, định hướng phát triển và hỗ trợ cho các doanh nghiệp về hoạt động logistics
Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương, các Hiệp hội liên quan
53.
Phát huy vai trò của Diễn đàn Logistics Việt Nam và thiết lập cơ chế phối hợp, đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp dịch vụ logistics
Mở rộng phạm vi, thu hút sự tham gia của cả các doanh nghiệp dịch vụ logistics và nhà đầu tư quốc tế tại Diễn đàn Logistics Việt Nam. Bên cạnh đó, thiết lập cơ chế phối hợp, đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics để tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vụ việc cụ thể
54.
Xây dựng, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong hoạt động logistics
Xây dựng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn giúp chuẩn hóa quy trình hoạt động logistics
Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ ngành liên quan, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.
55.
Phát triển trang thiết bị kiểm tra, đo lường và kiểm định phương tiện đo lường phục vụ hoạt động logistics
Chế tạo, phát triển trang thiết bị kiểm tra, đo lường và kiểm định phương tiện đo đảm bảo tính chính xác, trung thực trong giao nhận hàng hóa
Bộ Khoa học và Công nghệ, các Hiệp hội liên quan
56.
Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và thu thập dữ liệu thống kê về logistics.
Hình thành được hệ thống chỉ tiêu thống kê và tiến hành thu thập dữ liệu thống kê về logistics.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải
57.
Ban hành mã số đăng ký kinh doanh theo nhóm ngành cho dịch vụ logistics
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
58.
Thiết lập bộ chỉ số đánh giá logistics
Hình thành bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh logistics phù hợp với chuẩn mực quốc tế
59.
Xếp hạng, đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics và doanh nghiệp dịch vụ logistics
Tổ chức nghiên cứu, xếp hạng, đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics và doanh nghiệp dịch vụ logistics
2018 - 2025
60.
Xây dựng Báo cáo Logistics Việt Nam
Xây dựng báo cáo hàng năm, trong đó đưa ra đánh giá tổng quan về hoạt động logistics, các đặc điểm, thay đổi trong năm và khuyến nghị giải pháp phát triển cho năm tiếp theo
Bộ Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics
(*) Ghi chú: Cơ quan đầu tiên là đơn vị chủ trì, các cơ quan còn lại phối hợp.