Ảnh hưởng của hoạt động giao thông tới phát triển đô thị, kinh tế và môi trường đang đặt ra những thách thức cho phát triển bền vững. Các báo cáo nghiên cứu gần đây cho thấy, giao thông vận tải (GTVT) là một trong những hoạt động chủ yếu phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 sau ngành năng lượng và nông nghiệp, chiếm 18,38% tổng lượng khí nhà khí thải vào bầu khí quyển hàng năm. Trong đó, dự báo, ngành vận tải đường bộ chiếm 83% lượng khí nhà kính phát thải trong năm 2020 và 85% lượng khí nhà kính phát thải trong năm 2030. Theo sau đó là vận tải đường thủy nội địa chiếm 8% và không thay đổi trong khoảng thời gian từ 2020-2030; ngành hàng không chiếm 6% trong năm 2020 và 5% trong năm 2030. Vận tải đường biến chiếm 2% và phát thải ít nhất là vận tải đường sắt.
Do đó, phát triển giao thông xanh là mục tiêu dài hạn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Phát triển giao thông xanh được định hướng vào các nhóm yếu tố: phát triển giao thông công cộng và giao thông phi cơ giới, sử dụng năng lượng xanh cho phương tiện và sử dụng vật liệu xanh, công nghệ xanh cho phát triển cơ sở hạ tầng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển giao thông xanh và xem đó là một trong lĩnh vực chủ đạo trong phát triển bền vững. Ví dụ, Hà Lan được coi là vương quốc xe đạp, thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) đã cấm hoàn toàn việc sử dụng xe máy, người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng là chính. Nhiều thành phố ở Nhật Bản, Hàn Quốc đã phổ biến mô hình xe đạp cho thuê với giá rẻ, tiện lợi. Nhiều nước phát triển đang dần thay thế ô tô sử dụng xăng bằng ô tô điện, hoặc sử dụng pin mặt trời… Gần đây nhất, thành phố Leeds, nằm ở phía Bắc nước Anh đã thử nghiệm miễn phí sử dụng xe đạp điện cho người tham gia giao thông nhằm khuyến khích người dân bỏ phương tiện cá nhân, sử dụng phương tiện thân thiện môi trường. Nhiều thành phố khác như Paris (Pháp), không dừng ở phát triển những hệ thống xe đạp điện tiên tiến mà còn thực hiện chương trình kích cầu sử dụng phương tiện công cộng, thay đổi nhận thức của người dân, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.
Chính phủ Việt Nam và Bộ GTVT đã có một số định hướng cụ thể nhằm phát triển giao thông xanh. Bên cạnh những thành tựu đạt được như quy hoạch giao thông gắn với phát triển giao thông công cộng, chuyển đổi sử dụng năng lượng điện hay khí nén tự nhiên, sử dụng ứng dụng vật liệu mới trong kết cấu công trình. Tuy nhiên, phát triển giao thông xanh đang gặp phải những thách thức không nhỏ, liên quan tới các yếu tố đặc trưng của Việt Nam như nhu cầu đi lại đặc biệt lớn, thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông tiếp tục cần nguồn vốn lớn, mô hình đầu tư kết hợp nhà nước và tư nhân (PPP) còn nhiều vấn đề pháp lý tiếp tục cần tháo gỡ, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển tuy đã có nhiều bước tiến nhưng thực tế còn cần tập trung nguồn lực hơn nữa.
TS. Trương Thị Mỹ Thanh- Trường Đại học Công nghệ GTVT báo cáo tham luận khoa học tại Lễ khai mạc chung Hội nghị CIGOS 2021
Vấn đề này đã được gần 300 chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế trao đổi, thảo luận trực tuyến tại Hội nghị quốc tế lần thứ 6 về Địa kỹ thuật, Kết cấu và Xây dựng (CIGOS 2021) với chủ đề “Các công nghệ và ứng dụng mới nổi cho cơ sở hạ tầng xanh” được tổ chức trong hai ngày 28 và 29/10/2021 tại Hà Nội. Hội nghị do Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải phối hợp với Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE-Global) tổ chức.
Với chủ đề “Các công nghệ và ứng dụng mới nổi cho cơ sở hạ tầng xanh”, Hội nghị CIGOS năm nay hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của sự phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và thân thiện với môi trường, đồng thời nhấn mạnh vai trò thiết yếu của các công nghệ mới trong việc lập kế hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng xanh. Đây là một chủ đề mang tầm chiến lược cho cộng đồng các nhà khoa học, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Các nghiên cứu trình bày tại Hội thảo sẽ cung cấp thông tin cập nhật, những đánh giá khách quan cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế về nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông xanh tại Việt Nam, trên quan điểm khoa học và các minh chứng nghiên cứu cụ thể. Các nghiên cứu tập trung vào thực tế đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, lý giải những thách thức mang tính đặc thù của quốc tế và Việt Nam, từ đó cho thấy sự cần thiết của những nghiên cứu khoa học nhằm giải quyết dài hạn những thách thức này.
TS. Trương Thị Mỹ Thanh- Trường Đại học Công nghệ GTVT